Đền thờ Đại Nam - tỉnh Bình Dương |
Nhân dịp kỳ nghỉ
hè, gia đình tổ chức đi tham quan, du lịch một số nơi, trong đó có khu du lịch
Đại Nam ở Bình Dương. Khỏi phải nói các cháu vui thế nào khi anh em được cùng
nhau đi chơi, nô đùa và tham gia các trò chơi, nhất là các môn cảm giác mạnh. Bố
mẹ, ông bà ở dưới thì hoa cả mắt, toát mồ hôi. Trong thời gian du lịch, ông bà
còn chú tâm nhiều vào việc thăm viếng đền đài, nơi thờ tự và một số thắng cảnh
khác.
Đã từ lâu nghe anh em bàn luận nhiều về khu Đền
thờ Đại Nam
trong Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, nay mới có dịp trực tiếp đến thăm. Cảm nhận đầu
tiên là thấy nguy nga, choáng ngợp. Một số du khách còn buột miệng thốt lên:
còn hơn cả Trung Quốc! (Đây không biết là lời khen hay chê). Theo lời giới thiệu,
"đây là khu thờ tự, là điểm nhấn mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, ngưỡng vọng
những tinh hoa của dân tộc Việt Nam". Điện Đại Nam còn gọi là Kim Điện, được khởi
công xây dựng vào ngày 11/4/2003 (10/3 năm Quý Mùi), hoàn thành ngày 2/9/2005
trên diện tích 5000 mét vuông. Điểm nổi bật của khu Điện là hệ thống tượng thờ,
cả phía trước và bên trong Điện. Tất cả một màu sáng lóa, nghe nói được làm từ
chất liệu siêu nhẹ composite và sợi thủy tinh tổng hợp, một số pho được dát
vàng 24k.
Chính giữa
điện gồm 3 tầng, thờ Đức Phật Tổ Thích ca mâu ni, các Vua Hùng và Phật Hoàng Trần
Nhân Tông. Bên tả thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Mẹ Âu Cơ và Bách gia trăm họ với
1068 dòng họ thuộc 54 dân tộc Việt Nam. Bên hữu thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trạng
trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và ban thờ 4 vị: Thần Tài, Thổ Địa, Thành Hoàng, Tổ Đức.
Dọc bên trái Điện thờ các vương triều phong kiến Việt Nam; bên phải Điện thờ hệ thống các Thánh Mẫu
Việt Nam.
Theo hành
trình tham quan, ngay sau khi bước vào cửa đền, rẽ phải, nhìn lên thấy tượng
Ngô Vương Quyền. Bức tượng màu vàng sáng loáng, không to lớn, đồ sộ nhưng thật
uy nghi. Tôi đứng lại hướng lên chắp tay khấn lạy, kính cẩn trước vị Tổ trung
hưng, vị anh hùng dân tộc, cầu xin phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, cho muôn
nhà hạnh phúc. Tiếp đến là hệ thống bài vị ghi tên các triều đại: Nhà Đinh, Nhà
Tiền Lê, Nhà Lý, Nhà Trần, Nhà Hồ, Nhà Hậu Lê, Nhà Mạc, Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn.
Tiếp đó là hàng ngang chính điện với ban thờ Bách tính, Mẹ Âu cơ ... như nói ở
trên. Vòng qua bên phải đền hết lượt rồi ra cửa, kết thúc tham quan nội điện.
Khu du lịch Đại Nam và chủ nhân của nó vốn được
dư luận báo chí và các trang mạng xã hội đăng tải quá nhiều các bài viết, khen
chê lẫn lộn, đọc thấy hoa cả mắt, không biết đâu là thực hư, đâu là sai đúng.
Cách bài trí trong Đền những người đã đi thăm cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Do
thời gian ngắn ngủi, không xem kỹ được nên nhiều chỗ chưa thể hiểu cặn kẽ. Mặt
khác, để đảm bảo sự tôn nghiêm trật tư, Ban quản lý không cho quay phim, chụp ảnh
trong Đền, muốn ghi lại một số hình ảnh để có thể nghiên cứu, học hỏi thêm cũng
không thực hiện được. Bởi vậy, về tổng thể, bản thân không thể đưa ra bình luận
gì. Có một điều gây sự chú ý và để lại nhiều ấn tượng nhất cho mình là khu vực
thờ tự các vương triều Việt Nam.
Ở đây có hai chi tiết:
- Thứ nhất: Khi qua cửa Đền rẽ phải đi ngược lên, bệ thờ đầu tiên ta gặp
là bệ thờ Ngô Vương Quyền.
- Thứ hai: Trên dãy thờ các vương triều, chỉ Ngô Quyền
là đặt tượng thờ, còn các vương triều khác chỉ đặt bài vị ghi danh các triều đại,
mặc dù chúng ta biết, nhiều vị Tổ của các vương triều đó có nhiều công lao với
đất nước, như: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lê Lợi …
Rõ ràng ở
đây tác giả thiết kế bài trí muốn cho du khách thấy được ý tưởng khu thờ tự bắt
đầu từ thời kỳ độc lập tự chủ của nước nhà, mà thời kỳ đó mở đầu từ triều đại
Nhà Ngô chứ không phải Nhà Đinh hay triều đại nào khác. Hơn nữa, việc thờ tượng
Ngô Quyền bên cạnh bài vị các vương triều khác, tác giả cũng khẳng định vị trí
to lớn của Ngô Quyền, với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã đánh bại mấy chục vạn
quân Nam Hán, giành lại độc lập cho dân tộc, đồng thời chôn vùi vĩnh viễn tham
vọng xâm chiếm nước ta của nhà Nam Hán, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn
1.000 năm đen tối.
Trong các kỳ
đại hội Ngô tộc toàn quốc, bác Ngô Vui - Chủ tịch Hội Đồng Ngô tộc Việt Nam
(trước đây là Trưởng Ban Liên lạc Họ Ngô Việt Nam), trong báo cáo của mình, tỏ
ra rất trăn trở và bức xúc việc các nhà chép sử nước nhà xếp Triều Ngô vào hàng
Ngoại Kỷ (chứ không phải ở hàng Bản Kỷ như các nhà sử học Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ
Liên đã xếp trong Đại Việt Sử ký và Đại Việt Sử ký Toàn thư), coi thời kỳ độc lập
tự chủ được tính từ nhà Đinh. Đây là một điều không hợp lý. Hơn 500 năm qua, kể
từ khi Vũ Quỳnh lật lại lịch sử, giới sử học nước nhà chưa có động thái tích cực
đáng kể nào đưa lại sự công bằng, mặc dù nhiều nhà khoa học danh tiếng đã có những
ý kiến đánh giá cao về vị trí và vai trò của Ngô Quyền trong lịch sử nước nhà.
Tôi
chưa có điều kiện tìm hiểu ai là người thiết kế bài trí Đền thờ, có điều chắc
chắn người đó phải am hiểu và nghiên cứu sâu lịch sử Việt Nam. Việc bài trí khu thờ tự các
vương triều Việt Nam ở Đền
thờ Đại Nam
dù sao cũng chứng tỏ một cách nhìn thấu đáo, hợp lý đối với lịch sử. Hy vọng nó
sẽ trở thành một trong những nhân tố tích cực, góp phần đưa đến sự nhìn nhận
công bằng, hướng tới sự đánh giá đúng đắn một sự kiên, một triều đại, một giai
đoạn lịch sử nước nhà.
19-8-2013
Ngô Văn Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét