50 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG CẤP III ĐA PHÚC
VÀ NHỮNG KỶ NIỆM CỦA MỘT THỜI ĐI HỌC
Trong hai ngày 16 và 17 tháng 11 năm 2013 Trường Trung
học Phổ thông Đa Phúc tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đây là dịp để Nhà
trường nhìn lại quá trình phát triển, tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt
được trên chặng đường dài một phần hai thế kỷ theo đà phát triển chung của đất
nước. Đồng thời, đây cũng là dịp để các thế hệ học sinh có điều kiện trở lại
trường, thăm lại cái nôi đã nâng đỡ và chắp cánh cho mỗi người để chuẩn bị bước
vào đời; gặp lại, tri ân những thày, cô giáo đã từng dạy dỗ, trang bị kiến thức
cho mình; gặp gỡ, giao lưu với những người bạn học cũ, cùng nhau ôn lại những kỷ
niệm xa xưa, gợi nhớ những ngày ngồi chung trên ghế nhà trường.
Từ con số không ban đầu, sau 50 năm trưởng thành và phát
triển, với sự cống hiến lớn lao của các thế hệ thày cô, sự chung tay góp sức của
lớp lớp học sinh các khóa cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đã hun
đúc lên một truyền thống vẻ vang, làm nên một Trường Trung học Phổ thông Đa
Phúc với cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, với bề dày thành tích giảng dạy
và học tập rất đáng tự hào của ngày hôm nay.
Được biết, 50 năm qua nhà trường đã làm lễ tốt nghiệp
cho 48 khóa học, với hơn 20 ngàn học sinh ra trường, trong đó hàng chục người đã
trở thành những giáo sư, tiến sĩ, nhiều người trở thành tướng lĩnh hoặc sĩ quan
cao cấp của lực lượng vũ trang, nhiều người giữ các vị trí quan trọng trong bộ
máy chính quyền và doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương, đặc biệt có người
là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đội ngũ giáo viên giảng dạy
ban đầu chỉ có 8 người, đến nay đã tới hơn tám mươi thày cô giáo. Nhiều thày cô
là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia nhiều năm liền. Những năm gần đây Trường đã
có những thành tích thật ấn tượng: học sinh thi vào các trường đại học lớn đỗ
nguyện vọng 1 với tỷ lệ khá cao, nhiều em gần đạt điểm tuyệt đối, hai em đỗ thủ
khoa; một số em được vào đội tuyển đi thi học sinh gỏi toàn quốc, thi đạt kết
quả cao; một số em tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olimpia được vào sâu
các vòng trong … Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, để đứng vững và thu lượm được
những kết quả như hiện nay cũng là điều đáng trân trọng.
Hơn 50 năm trước cả mấy huyện không có một trường cấp
3, những người học lên được cấp 3 phải đi rất xa. Năm 1963 chúng tôi phải lên tận
Thị xã Phúc Yên, cách nhà gần 30 Km để thi vào lớp 8 (theo hệ thống phổ thông
10 năm, lớp 8 là lớp đầu của cấp 3). Còn nhớ, sáng hôm trước được bố mẹ cho mấy
hào, nắm một nắm cơm kèm ít muối vừng, đem theo bút mực, giấy nháp, com pa, thước
kẻ đi ra ga Đa Phúc xuôi tàu Hà Nội, đến ga Đông Anh thì xuống chuyển tàu đi
Phú Thọ. Tàu qua ga Thạch Lỗi rồi đến Phúc Yên. Hồi đó cả làng chỉ một mình thi
vào lớp 8, các bạn khác do nhiều lý do khác nhau học hết cấp 2 (lớp 7) là bỏ học
cả, vì vậy phải đi một mình, chẳng có ai đi cùng. Xuống tàu, hỏi đường vào Trường
Cấp III Bến Tre, gặp được mấy bạn cùng lớp, rủ nhau đi xem danh sách thí sinh
dán ở cửa phòng thi. Khi thấy tên mình rồi thì yên tâm. Lúc đó đã về cuối chiều,
vội rủ nhau giở cơn nắm ra ngồi ăn. Ăn xong dạo quanh trường một vòng cho thư
thái rồi về phòng kê ghế làm giường, chuẩn bị đi ngủ sớm để sáng mai bước vào
trận chiến đấu. Bảo đi ngủ sớm nhưng đâu có ngủ được vì vừa lạ nhà lại vừa nghĩ
đến cuộc thi ngày mai nên đêm cứ nằm thao thức, mãi mới chợp được mắt. Sáng ra
lại phải dậy sớm, kê trả lại bàn ghế cho phòng thi. Với tính trung thực của thí
sinh và giám thị, hồi đó chẳng cần công an, bảo vệ hay niêm phong trước phòng
thi, việc thi cử vẫn đảm bảo tính nghiêm minh và sự công bằng gần như tuyệt đối.
Thời kỳ đó thi vào cấp 3 chỉ thi hai môn là văn và toán. Buổi sáng thi văn,
mình vốn không yêu thích các môn xã hội nhưng nhờ trời, bài làm văn cũng không
đến nỗi nào. Buổi chiều thi toán thì yên tâm, không có gì đáng lo lắm. Tuy
nhiên, do chủ quan, một bài toán đã tính sai đáp số. Sau này về nhà cứ ân hận
mãi vì tính không cẩn thận. Cuối cùng cũng qua được kỳ thi.
Vào học cấp 3 nhà trường bắt đầu từ con số không, phải
học nhờ ở Trường cấp 2 Nguyễn Du – huyện Kim Anh, sáng Cấp 2, chiều Cấp 3 học.
Lúc đầu Trường chưa có cả tên. Nhà trường có mấy phương án đặt tên: 1/ Trường cấp
3 Nguyễn Đình Chiểu (tương xứng với Trường cấp 2 Nguyễn Du cùng học); 2/ Trường
cấp 3 Kim Đa (ghép tên hai huyện: Kim Anh, Đa Phúc), cuối cùng quyết định lấy
tên Nguyễn Đình Chiểu. Trường cách nhà tôi khoảng 15 Km. Thời kỳ đầu hàng ngày
phải cuốc bộ đến trường, sáng cứ ở nhà nấu cơm ăn sớm, 9 giờ bắt đầu cắp sách
đi, hơn 12 giờ mới đến nơi. 12 giờ 30 bắt đầu vào học, sau 5 tiết học, 5 giờ 30
chiều thì tan. Lại bắt đầu hành trình đi bộ về nhà. Vì chiều đã muộn nên phải vừa
đi vừa chạy non dọc quãng đường 15 Km (giá như thời kỳ đó nhà trường cử mình đi
thi chạy Ma-ra-tông thì có khi giật giải). Về mùa đông chạy dọc đường tàu đến gần
ga Đa Phúc trời đã tối mịt, khi đến Núi Đôi gần 8 giờ tối, mấy ngọn đèn điện của
trạm thông tin quân đội hắt chút ánh sáng ra đường, thấy thật hạnh phúc. Về gần nhà phải đi qua một bãi tha
ma, mình bước đi mà cứ như thấy người huỳnh huỵch bước theo, thật là rùng rơn.
Đến nhà đã gần 9 giờ tối, bố mẹ ngóng chờ, thấy thương và lo nhưng không biết
làm thế nào. Về sau gia đình cho học trọ để đỡ vất vả.
Thời kỳ trọ học cũng có những kỷ niệm khó quên. Mỗi tuần
chủ nhật về nhà nghỉ, sáng thứ hai lại phải gánh gạo đi góp với chủ nhà để ăn suốt tuần. Có lần gánh gạo vừa
đến đầu Chợ Phù Lỗ thì công an và thuế vụ ra bắt giữ. Họ tưởng mình đi buôn gạo
nên bắt. Sau một hồi xin xỏ, nói khó, chìa cả sách vở ra bảo rằng: cháu là học
sinh, đem gạo đi ăn học trọ, họ mới tha.
Học ở Phù Lỗ mất hơn một năm, giữa năm học 1964 – 1965
thì trường chuyển về Huyện Đa Phúc, từ đây đổi tên là Trường Cấp III Đa Phúc.
Lúc đầu Trường xây được một dãy nhà ngói cấp bốn 5 gian, 4 gian làm lớp học,
gian cuối làm chỗ làm việc của Ban Giám hiệu – như vậy cũng là khang trang lắm
rồi (dãy nhà cấp 4 giữa những năm 90 của thế kỷ trước khi anh em học sinh cũ về
thăm Trường thấy vẫn còn giữ được, nhưng bây giờ thì bị phá dỡ để mở rộng sân
trường rồi).
Cuối năm 1964 chiến tranh phá hoại của Mỹ lan ra Miền
Bắc, sang năm 1965 thì ngày thêm ác liệt, Trường cấp 3 nằm ở trung tâm thị trấn,
sợ bị oanh tạc, đánh phá, phải sơ tán về khu Rừng Cơm làng Xuân Dục Đông. Ở đây
phải học nhờ Trường cấp 1 Xã Tân Minh. Không hiểu xuất xứ từ đâu có cái tên Rừng
Cơm. Có lẽ trước đây nơi này là một khu rừng rậm rạp, còn lúc đó chỉ còn lại mấy
chòm cây với mấy cây cổ thụ khá lớn. Chỗ này cũng là một kỷ niệm đối với bản
thân. Hồi còn đi học cấp 2 – Trường cấp 2 Lạc Long, cũng ở Thị trấn Đa Phúc,
trên đường đi học, đám học sinh chúng tôi thường đi sớm, đến đây chơi đáo, rồi
thi nhau ném trám rụng để ăn. Ở đây có mấy cây trám đen rất to, sau này người
ta đốn chặt cả.
Về học ở Rừng Cơm cơ sở thiếu thốn, các bạn ở xa như
khu vực huyện Kim Anh hay các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Trung Giã ... lại phải hành
trình đem gạo, muối, rau, dưa đi học trọ. Các bạn trọ học ở làng Xuân Dục và
xóm Mai Định (Phú Tàng), còn mình lại đỡ vất vả hơn vì từ nhà đến trường chỉ
hơn cây số. Những năm đó bạn bè thường xuyên học nhóm, nhất là năm lớp 10 cuối
cấp. Chúng tôi tận tình giúp đỡ nhau cả trong cuộc sống và trong học tập, càng
khó khăn thiếu thốn càng quý trọng nhau. Lúc đó tình bạn sao mà hồn nhiên,
trong sáng và đẹp đẽ thế!
Hết cấp 3 mỗi người theo một ngả: người thì vào đại học,
người ở nhà, người đi bộ đội, ai may mắn thì được đi học nước ngoài. Thời đó
chúng tôi vào đại học không phải qua thi cử, một mặt căn cứ vào kết quả học tập,
một mặt xét qua lý lịch gia đình. Những người được xét đi học nước ngoài hoặc vào
các trường đại học trong nước, thành phần gia đình phải là cơ bản. Một số bạn
lý lịch gia đình “có vấn đề” mặc dù học giỏi cũng không được vào đại học, phải ở
nhà giúp gia đình, hoặc sau này đi bộ đội. Tất nhiên có nhiều bạn thành tích học
tập tốt, gia đình cơ bản sau này cũng nhập ngũ khi Nhà nước tổng động viên, nhiều
bạn đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu, một số bạn bị địch bắt cầm tù, sau Hiệp
định Paris năm 1973 mới được trao trả.
Lớp học sinh khóa I chúng tôi mãi tới năm 1993, sau 30
năm mới có điều kiện gặp lại nhau. Nhìn lại người mất, người còn, người thành đạt,
người không, người có bát ăn bát để, người còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống
hàng ngày, nhưng tất cả hầu như vẫn giữ được tình bạn cao cả của những ngày
nào.
Từ đó đến nay, thỉnh thoảng anh em vẫn có dịp gặp lại
nhau, mặc dù không được đày đủ, khi thì tề tựu lại trường, lúc thì đi dự đám cưới con bạn bè, hoặc viếng
đám tang người thân. Trong gần hai chục năm qua, cũng thêm mấy bạn ra đi do mắc
bệnh hiểm nghèo. Mỗi khi gặp nhau nhắc đến, anh em đều bùi ngùi thương tiếc. Những
người còn lại hiện nay ai cũng đã lên chức ông, chức bà, có người đã lên chức cụ.
Dịp gặp mặt đầu năm vừa rồi đã có mấy bạn nhận mừng thọ tuổi “cổ lai hy”.
Nhắc lại chuyện xưa là để biết được giá trị đích thực
của chuyện nay. Hơn nữa, đây cũng là những kỷ niệm khó quên, có khi trở thành
thiêng liêng đối với từng người. Các cụ chúng ta vẫn thường nói: “ôn cố tri tân”
mà, phải biết nhớ những kỷ niệm đã qua để hướng tới cái mới mẻ, cái tương lai
thì cuộc sông mới phong phú, mới có ý nghĩa và trở lên tươi đẹp hơn.
Tháng 11/2013
N.V.X.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét