Gia phả là
cuốn sách biên chép lịch sử các thế hệ của gia đình, họ tộc. Đọc gia phả giúp
các lớp hậu thế hiểu rõ nguồn cội và quan hệ huyết thống của mình, qua đó tăng
thêm niềm tự hào đối với Tổ tiên, dòng tộc.
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân được một bước nâng
cao, hiện nay trào lưu tìm về cội nguồn ngày một mở rộng. Nhiều việc làm với ý
nghĩa vấn tổ tầm tông trong đó có việc sưu tầm phả cũ, tục biên và dựng phả mới
được các dòng họ hết sức quan tâm. Trên phương diện nghiên cứu khoa học, các cơ
quan, tổ chức hữu trách cũng bước đầu có sự khởi động đáng kể. Một số tổ chức
chuyên ngành nghiên cứu và thực hành dựng phả, viết phả được hình thành ở Hà Nội
và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số doanh nghiệp, cá nhân đã xây dựng các phần mềm
quản lý gia phả trên máy vi tính, trên internet…
Họ Ngô Việt Nam là một trong những dòng họ sớm
tổ chức ban liên lạc họ tộc toàn quốc. Từ khi thành lập năm 1988 đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, Ban Liên lạc Họ Ngô Việt Nam (nay là Hội đồng Ngô tộc Việt
Nam) đã có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp tích cực cho Dòng Họ. Tác phẩm Lịch
sử Họ Ngô Việt Nam ra đời là kết quả của bước khởi đầu, đặt nền móng cho việc nghiên cứu sau này. Tiếp đó, cuốn Phả hệ Họ
Ngô Việt Nam xuất bản năm 2003, tái bản có bổ sung, sửa đổi năm 2011 đã kết nối
nhiều chi họ liên thông được tới Khởi Tổ, tạo tiền đề đồng thời là chất xúc tác
cho các chi họ trong khắp cả nước tích cực sưu tầm, dịch thuật phả cũ, dựng phả
mới và viết bổ sung gia phả của chi họ mình. Hiện nay một số chi họ còn lập được
trang web riêng, đưa gia phả của chi họ
mình lên internet để con cháu khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài theo dõi.
Với một vài hiểu biết và chút ít kinh nghiệm của bản
thân, tôi xin tổng hợp, trình bày một số kiến thức cơ bản về gia phả để độc giả,
những ai quan tâm tham khảo, cùng chia sẻ và trao đổi thêm.
Bài viết này trình bày mấy nội dung chính sau:
- Gia phả
là gì.
- Nội dung,
kết cấu và cách trình bày gia phả.
- Kinh nghiệm
đi thực địa tìm kiếm, thu thập và ghi
chép dữ liệu.
- Viết gia
phả như thế nào.
- Một số
tên gọi, từ ngữ dùng trong các phả cũ.
Sau đây xin được lần lượt tìm hiểu các nội dung trên.
1. Gia phả
là gì?
Gia phả là một từ Hán Việt, trong đó Gia có nghĩa là
gia đình, gia tộc, họ tộc; Phả (còn có âm là Phổ) là cuốn sách biên chép con
người, sự việc theo thứ tự, hệ thống. Người ta có một trong những cách định nghĩa:
Gia phả (hay
gia phổ) là cuốn sách ghi chép lại lịch sử các thế hệ của một gia đình hay họ tộc.
Tùy quy mô và cách viết, Gia phả còn được gọi là Tộc
phả (Tộc phổ), Phả ký, Phả chí, Phả hệ, Phả truyền. Các nhà tông thất còn gọi
gia phả của vương triều, dòng tộc mình là Ngọc phả, Thế phả.
Ở các đền miếu, đình làng cũng có các sách chép về lịch
sử ra đời của công trình cũng như sự tích, truyền thuyết các Thần, Thánh, Thành
hoàng được thờ phụng. Sách đó gọi là Thần phả, Thánh phả.
2. Nội dung,
cấu trúc và cách trình bày gia phả.
Căn cứ vào nội dung hoặc cấu trúc trình bày, người ta
chia bản gia phả thành các phần viết khác nhau.
Xét về nội
dung, một bản phả dù viết giản đơn hay viết chi tiết thường được chia làm 3 bộ
phận: lời nói đầu (lời tựa), chính văn gia phả và những nội dung viết thêm.
Lời nói đầu (hay lời tựa) nêu lên ý nghĩa của gia phả đối với họ tộc;
giới thiệu nguồn gốc và những truyền thống tốt đẹp vốn có của dòng tộc; về quá
trình sưu tầm, khảo cứu, chắp nối và biên tập phả; phương pháp trình bày, hướng
dẫn người đọc để tiếp cận và hiểu một cách dễ dàng. Một số bản phả còn ghi lại
những lời nhận xét, đánh giá của những người có uy tín, có ảnh hưởng cao trong
họ tộc, trong xã hội đối với bản phả.
Chính văn gia
phả : Đây là phần chủ yếu của một bản
phả, trong đó trình bày rõ thân thế, sự
nghiệp, thế thứ của các thành viên trong họ tộc, có sơ đồ biểu thị để dễ dàng theo
dõi.
Đối với bản
thân mỗi người, phả ghi đầy đủ tên húy, tên
tự, tên hiệu và các danh xưng khác (nếu có); ngày tháng năm sinh (nếu có thể
thì ghi cả giờ sinh); là con ai, con thứ mấy trong gia đình; công việc, sự nghiệp,
phẩm chất, tính cách hoặc những đặc điểm nổi bật của từng người. Những người có
vị trí quan trọng có nhiều cống hiến, đóng góp cho dòng tộc, quê hương, đất nước
thì ghi tỉ mỉ, chi tiết, với mục đích làn tấm gương cho các thế hệ sau học tập.
Phần ghi vợ (hoặc chồng) cũng được ghi đầy đủ những nội dung trên (trong các phả
cũ, người có nhiều vợ được ghi đầy đủ chính thất, thứ thất, kế thất…), sinh hạ
mấy con, tên từng con. Người đã mất thì ghi rõ ngày tháng năm mất, thụy hiệu, nguyên
nhân từ trần, tang lễ, nơi chôn cất, cải
táng, di táng…
Nếu có điều kiện thì in kèm ảnh chân dung của từng người
cho sinh động. Người quá cố không lưu giữ được ảnh chân dung thì có thể in ảnh
mộ chí.
Nội dung viết
thêm (có tài liệu gọi là phần ngoại
phả hay phụ khảo): viết về các vấn đề ngoài phả hệ như: nhà thờ Tổ, việc hưng
công xây dựng, cung tiến của các cá nhân, gia đình; việc thờ cúng, giỗ Tổ, văn
tế Tổ, Tộc ước, các câu đối, áng văn thơ tiêu biểu; đặc điểm xóm làng quê hương
họ tộc; mối quan hệ với các họ tộc khác ở địa phương…
Xét về cách
thức trình bày, một bản gia phả được chia làm 3 thành phần: Phả ký, phả hệ và
phả đồ.
Phả ký là tất cả những phần ghi chép nội dung của bản phả, cả
lời tựa, chính văn và phần viết thêm. Đây là phần quan trọng, khi đọc sẽ thể hiện
tinh thần chủ yếu của bản phả.
Phả hệ là việc trình bày quan hệ thế thứ của các thành viên
trong họ tộc. Xem nội dung này ta có thể biết được vị trí, vai vế, tên tuổi của
từng người, người đó thuộc đời thứ mấy trong họ, là con ai, sinh ra những ai…
Thông thường có 3 cách trình bày phả hệ: viết theo chiều
ngang, viết theo chiều dọc và viết kết hợp ngang dọc.
- Viết theo chiều ngang là viết lần lượt các đời trong
họ; hết đời thứ nhất đến đời thứ hai, hết đời thứ hai đến đời thứ ba, hết đời
thứ ba đến đời thứ tư… Ưu điểm của cách viết này là khi xem ta biết ngay người
đó ở đời thứ mấy, mỗi đời có bao nhiêu người... Tuy nhiên nó có nhược điểm là
không biết được mối quan hệ chung và rất khó theo dõi. Cách viết theo chiều
ngang thường chỉ áp dụng cho một gia đình ba, bốn đời, còn đối với một họ tộc
có nhiều đời thì ít thấy sử dụng.
- Viết theo chiều dọc là chia dọc từng chi, từng
cành trong họ để viết. Viết hết chi một
đến chi hai, hết chi hai đến chi ba... Trong mỗi chi lại chia ra từng cành, hết
cành một đến cành hai, hết cành hai đến cành ba... Tương tự như trên, trong mỗi
cành lại chia viết từng nhánh nhỏ. Đây là cách viết phổ biến, dễ theo dõi, các
nhà viết phả xưa nay hay dùng (xem hình
1).
- Viết ngang dọc kết hợp: Một cách viết khác là viết kết
hợp ngang dọc. Cách viết này tuy dài nhưng người xem dễ nhận biết. Nội dung
chính vẫn được viết theo phương pháp dọc, nhưng sau (hoặc trước) khi trình bày dọc,
trình bày tóm tắt theo hàng ngang, chủ yếu chỉ viết họ tên, nếu có thể viết bổ
sung một số thông tin chủ yếu nhất của mỗi người.
Phả đồ (còn gọi là cây phả hệ) là hình thức biểu thị phả hệ
theo sơ đồ để khi nhìn vào người ta có thể nắm bắt một cách tổng thể mối quan hệ
thế thứ trong họ tộc. Thông thường có 3 cách trình bày phả đồ:
- Trình bày theo hình cây : đây là cách trình bày một
số người dựng phả trước đây hay dùng. Bắt
đầu từ gốc là đời thứ nhất, mọc ra các cành, cành phía trái là chi trên, cành
phía phải là chi dưới. Tương tự vậy, trong mỗi cành lại có các cành nhỏ phân
chia từng lớp từng tầng. Cách trình bày này khá sinh động, xem dễ hiểu nhưng
cũng khó trình bày, nhất là đối với các họ lớn có nhiều đời (xem hình 2).
Hình 2 - một dạng phả đồ hình cây |
- Trình bày theo vòng tròn đồng tâm: Vẽ các vòng tròn
đồng tâm, cụ Tổ đời thứ nhất ở trung tâm, vòng thứ hai là đời thứ hai, vòng thứ
ba là đời thứ ba... Hình thức này cũng dễ xem nhưng chỉ áp dụng cho một gia
đình ba, bốn đời, còn họ tộc đông người thì khó thể hiện. Nói chung hình thức
này ít được áp dụng (xem hình 3).
- Trình bày theo sơ đồ tổ chức: đây là hình thức phổ
biến được nhiều người sử dụng. Có thể vẽ theo hai cách: theo chiều dọc và theo
chiều ngang.
+ Vẽ theo chiều dọc: đời thứ nhất đặt ở trên cùng, lan
tỏa xuống đời thứ hai, thứ ba, thứ tư...theo hàng ngang tương ứng phía dưới.
Trong mỗi hàng, người phía trái là anh chị, người phía phải là em. Mối quan hệ
trực tiếp được biểu thị bằng mũi tên hoặc đường dẫn nối (xem hình 4).
+ Vẽ theo chiều ngang: đời thứ nhất đặt ở bên trái,
các đời tiếp theo lan tỏa sang phải theo hàng dọc, chi trên ở trên, chi dưới ở
dưới (xem hình 5).
Đặc điểm của hình thức vẽ theo sơ đồ tổ chức là dễ
theo dỗi, trình bày được một cách tổng thể, nhất là trong điều kiện sử dụng máy
vi tính ngày nay, nếu đông có thể cắt ngang, cắt dọc trình bày các sơ đồ nối tiếp
nhau, người xem vẫn có thể theo dõi được toàn diện.
Viết thứ tự
các đời thế nào?: Một chi tiết cần
quan tâm là cách trình bày thứ bậc của mỗi người trong phả hệ và phả đồ để khi
xem có thể nhận biết ngay người đó thuộc đời thứ mấy trong họ, con thứ mấy
trong gia đình. Có 3 hình thức hiện được những người viết phả hay sử dụng:
- Ghi rõ thế hệ trực thuộc (đời thứ mấy).
- Dùng số thứ tự một số để chỉ thế hệ trực thuộc (xem hình 4, hình 5).
- Dùng số thứ tự hai số (như 2.1, 2.2; 3.1, 3.2 …),
trong đó số thứ nhất biểu thị thuộc đời thứ mấy, số thứ hai biểu thị là con thứ
mấy (xem hình 1).
3. Việc đi
thực địa tìm kiếm, thu thập và ghi chép dữ liệu:
Ngoài việc nghiên cứu phả cũ và các tài liệu có sẵn,
công việc đi thực địa tìm kiếm, thu thập thêm các dữ liệu để dựng, biên tập hay
tục biên gia phả là công việc hết sức cần thiết. Cố gắng tranh thủ tối đa lời kể
của các bậc cao niên, từng trải trong họ. Nếu có điều kiện có thể hỏi thêm những
người lớn tuổi, hiểu biết thuộc họ khác ở địa phương. Cần ghi chép đầy đủ, tỷ mỉ
nội dung lời kể để tiện cho việc biên tập sau này. Việc ghi chép cũng cần theo
trình tự khoa học, tốt nhất là ghi theo hình thức viết dọc như trình bày ở
trên, tức là ghi từng chi một, hết chi một đến chi hai; trong từng chi lại theo
từng cành, từng nhánh... Có như vậy mới không để sót trong hệ thống các thành
viên đông đúc của họ tộc. Nếu có điều kiện thì in bản mẫu, gửi cho từng gia
đình, từng chi họ điền vào, người biên tập hoặc Hội đồng biên tập tổng hợp lại
để viết chung.
Việc đi khảo sát, thu thập tư liệu tại các cơ sở nhà
thờ họ, đình đền, phần mộ... cũng rất hữu ích. Ở những nơi này rất có thể thu
thập được những tư liệu quý báu cho việc biên tập qua nội dung các hoành phi,
câu đối, văn bia...
Trên cơ sở những tư liệu, dữ liệu thu thập được, người
biên tập tổng hợp, phân tích, sàng lọc để sử dụng, những chi tiết nào thấy
không chính xác, không hợp logic thì loại ra hoặc dùng làm tư liệu tham khảo.
4. Viết gia
phả như thế nào?
Viết gia phả là viết sử của họ tộc, vì vậy người biên
tập phải hết sức thận trọng, trung thực, công tâm và khách quan. Không được
thiên vị nói hay cho chi họ này, nói điều không hay cho chi họ khác. Cũng không
nên khoa trương, khuyếch đại quá mức những ưu điểm của họ mình. Lời văn trong
gia phả phải ngắn gọn, rõ ràng; từ ngữ dùng phải trong sáng, dễ hiểu. Một trong
những mục đích chính của viết gia phả là để các thế hệ sau này khi đọc thấy tự hào đối với Tổ tiên, ông cha dòng tộc mình,
bởi vậy cần nêu cao truyền thống tốt đẹp, biểu dương những tấm gương sáng về đạo
đức, phẩm hạnh, về sự cống hiến cho dòng tộc, cho quê hương, đất nước của những
người con tiêu biểu trong họ. Đối với những mặt hạn chế, nhược điểm, cần có
cách trình bày mềm mại, dùng từ ngữ tế nhị để con cháu hoặc những người liên
quan trưc tiếp không bị mặc cảm.
Một số phả cũ thường chỉ viết những thế hệ trước, những
người đã quá cố và chỉ viết về con trai. Ngày nay chúng ta viết phả nên viết đầy
đủ từ cụ Tổ đời thứ nhất đến những cháu nhỏ được sinh ra trước thời điểm dựng
phả; viết cả con trai, con gái, cả cháu nội, cháu ngoại. Riêng cháu ngoại do đã
mang họ khác nên nếu không có gì đặc biệt thì không mở rộng chi tiết.
5. Một số
tên gọi, từ ngữ thường dùng trong các phả cũ:
Khi nghiên cứu các bản phả cũ, có một số tên gọi và từ
ngữ trước đây hay sử dụng nhưng theo tập quán ngày nay ít dùng đến, chúng ta cũng
nên tìm hiểu để biết được ý nghĩa của nó.
- Các tên gọi:
Tên Húy: là tên cha mẹ đặt cho từ nhỏ lớn lên it được nhắc đến
mà được gọi bằng một tên khác, dân thường hay gọi là tên Tục. (Một số từ điển
giải nghĩa tên Tục là tên do cha mẹ đặt cho lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé,
thường là từ Nôm, nghĩa xấu xí, mục đích tránh sự theo dõi, để ý của ma quỷ cho
dễ nuôi. Tuy nhiên một số vùng người ta không phân biệt xấu hay đẹp, cứ tên cha
mẹ đặt cho để gọi lúc bé đều gọi là tên Tục chứ không gọi là Húy. Húy chỉ dùng
khi viết).
Tên Tự (tên chữ): là
tên của giới trí thức tự đặt thêm cho mình, thường lấy chữ của một câu trong
sách cổ có ý nghĩa liên quan đến tên Húy hay chứa đựng tên Húy. Tên Tự chỉ dành
cho con trai từ 20 tuổi trở lên. Thí dụ: Nguyễn Sinh Cung tự Tất Thành, Nguyễn
Bỉnh Khiêm tự Hanh phủ, Ngô Thì Nhậm tự Hy
Doãn...
Một nghĩa khác của tên Tự đó là tên đặt cho một người
đàn ông qua đời để khấn đọc khi cúng giỗ, dựa vào tên thường gọi hay phẩm chất
của người đó, dùng âm Hán Việt với từ đầu thường là Phúc (phúc đức), Trực (ngay
thẳng), Thuần (thuần khiết)... Thí dụ: tự Phúc Thành, tự Trực Bình, tự Thuần Hậu…
Tên Hiệu: là
tên của giới trí thức tự đặt thêm cho mình bên cạnh tên vốn có, dùng từ ngữ Hán
Việt có nghĩa đẹp đẽ, để gọi nhà ở, chỗ ở, nơi đọc sách, viết văn, bản quán hoặc
thể hiện tâm trí cá nhân, thường hay dùng một trong các từ: Trai (nhà sách),
Hiên (mái nhà), Am (nhà nhỏ), Đường (nhà lớn), Sơn (núi) Giang, Xuyên (sông)...và
một số từ khác. Thí dụ: Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, Ngô Thì Nhậm hiệu Đạt Hiên,
Cao Bá Quát hiệu Cúc Đường, Trần Tế Xương hiệu Vị Xuyên ...
Một nghĩa khác của tên Hiệu, đó
là tên đặt cho một người phụ nữ qua đời để khấn đọc khi cúng giỗ, dựa vào tên vốn
có hoặc phẩm hạnh của người đó, dùng từ Hán Việt với chữ đầu thường là Diệu (đẹp,
khéo léo), Mỹ ( xinh đẹp), Từ (hiền từ), Thục (hiền thục)... Thí dụ: hiệu Diệu
Tâm, hiệu Mỹ Xuân, hiệu Từ Tín... Ngoài ra một số nữ Phật tử có công lao, phẩm
hạnh được nhà chùa đặt cho một tên hiệu, khi qua đời lấy luôn tên này để đọc cúng bái.
Xin được nói rõ thêm, trước
đây một số vùng ở miền Bắc nước ta, con trai con gái lớn lên lấy vợ lấy chồng,
khi có con thì không gọi bằng tên vốn có (tên húy, tên tục) của mình nữa mà lấy
tên con đầu lòng gọi cho bố mẹ. Khi đã có con mà gọi tên húy, tên tục của bố mẹ
thì như chửi người ta. Vì thế nhiều trường hợp con cái không biết tên cha mẹ, còn
các cháu không biết tên ông bà là chuyện thường. Chính bởi vậy khi qua đời con
cháu hoặc thày cúng phải đặt cho một cái tên để gọi khi cúng bái. Thày cúng thường
là những người có chút chữ nghĩa, đặt tên cho người quá cố thường dùng từ Hán
Việt. Tên đặt cho đàn ông gọi là tên Tự, đặt cho đàn bà gọi là tên Hiệu. Thực
chất đây là tên Thụy, nhưng trong gia phả và bia mộ người ta không ghi là Thụy
mà ghi là Tự và Hiệu, có thể do nhận thức tên Thụy chỉ được dùng cho vua chúa,
quan lại, còn dân thường thì không được dùng chữ này chăng. Khi đọc gia phả ta
cần phân biệt tên Tự và tên Hiệu này khác với nghĩa vốn có của nó để không bị
nhầm lẫn.
Tên Thụy (thụy hiệu): là tên đặt cho một người có địa vị xã hội
mất đi, dựa vào cuộc đời và sự nghiệp của người đó. Có 2 loại tên thụy là công
thụy và tư thụy. Công thụy là do vua đặt cho; tư thụy là do con cháu, bà con, bạn
bè, môn đệ dặt cho. (Đôi khi có người còn sống tự đặt tên Thụy cho mình). Tên Thụy
thường để ca tụng tài đức của người quá cố và để khấn đọc khi cúng bái nên còn
được gọi là tên tụng, tên hèm, tên cúng cơm.
Thụy hiệu của nhà vua thường được ghép vào Miếu hiệu để
đọc, và gọi là Thánh thụy. Thí dụ: Thánh thụy của Quang Trung là Thái tổ Võ
Hoàng đế, của Gia Long là Thế Tổ Cao Hoàng đế…
Miếu hiệu : là tên của vua băng hà được vua kế vị hoặc triều thần
truy tôn để viết lên bài vị hay trên các bài văn tế để đọc khi cúng bái. Thường
thì các vị vua đầu, khai sáng ra Vương triều được truy tôn là Tổ, các vua kế tục
truy tôn là Tông. Thí dụ: Thái Tổ, Thế Tổ,
Anh Tông, Minh Tông, Nhân Tông, Thánh Tông…
Ngoài ra còn nhiều các danh xưng khác như: Mật danh,
Bí danh của những người hoạt động bí mật, Bút danh của các nhà báo, nhà văn, Nghệ danh của những người
hoạt động nghệ thuật, Pháp danh của Phật giáo, Tên Thánh của Công giáo … trong
các bản phả cũ ít thấy xuất hiện, song ngày nay viết phả sẽ phải đề cập đến nhiều,
cũng như hệ thống chức vụ, phẩm hàm xưa nay đã có nhiều đổi khác, chúng ta nên
tìm hiểu kỹ ở các lĩnh vực chuyên ngành để khi cần thì sử dụng cho chính xác.
-
Niên hiệu:
Một khái niệm khác cũng hay được nhắc đến
trong các phả cũ là Niên hiệu. Niên hiệu
là thời gian gồm một hoặc một số năm nhất
định được các vị Hoàng đế Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung
Hoa sử dụng để đánh dấu thời gian trị vì của mình. Trong các tài liệu lịch sử,
Niên hiệu dùng chủ yếu để nói về thời điểm diễn ra sự việc, nay ta viết hay dịch
phả cũ đều quy ra năm dương lịch cho tiện. Việc quy đổi đã có bảng tra được
trình bày trong bài viết Niên hiệu các Triều Vua Việt Nam.
- Tên
gọi các bậc Tổ tiên:
Trong phả cũ hoặc trong cúng
tế những bậc quá cố được viết và đọc khác với khi còn sống. Theo đó cha gọi là
Hiền khảo, mẹ là Hiền tỷ; ông bà là Tổ khảo, Tổ tỷ; cụ (cố) là Tằng Tổ khảo, Tằng
Tổ tỷ; Kỵ (can) là Cao Tổ khảo, Cao Tổ tỷ; Các bậc trên nữa gọi chung là Tiên Tổ
các đời cho đến Thủy Tổ. Một số họ từ bậc Cao Tổ khảo, cứ thêm một bậc lại thêm
một chữ “cao”, chẳng hạn: Cao Cao Tổ khảo, Cao Cao Cao Tổ khảo... Cách đọc này
cũng khá bất tiện nên ít được dùng.
Một cách gọi thông thường dễ
hiểu hiện được nhiều người dùng là gọi chung cụ Tổ kèm với số đời tính ngược từ
bản thân trở lên. Thí dụ bản thân là đời thứ nhất, cha mẹ là đời thứ hai, ông
bà là đời thứ ba..., người ta gọi ông bà là Tổ đời thứ ba, cụ (cố) là Tổ đời thứ
tư, kỵ (can) là Tổ đời thứ năm...
Trên đây chỉ là một số nội
dung cơ bản nhất được tổng hợp. Những nội dung khác như kinh nghiệm dịch thuật,
dựng phả đồ, chắp nối phả từ những phả cũ … được trình bày khá cụ thể trong PHẢ
HỆ HỌ NGÔ VIỆT NAM của tác giả Ngô Vui và các tài liệu liên quan của các tổ chức,
cá nhân khác, độc giả có thể tìm đọc thêm.
Mùa Thu năm
2013
Ngô Văn Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét