Trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

NIÊN HIỆU CÁC TRIỀU VUA VIỆT NAM

                                                                                  
Khi nghiên cứu một tài liệu lịch sử, ta thường thấy thời gian sự kiện xảy ra được ghi bằng niên hiệu của một triều đại nào đó. Trường hợp người biên tập hoặc người biên dịch quy đổi ra năm dương lịch thì thuận tiện cho người đọc; còn trường hợp ta đọc bản sao, hoặc chưa được quy đổi ra dương lịch thì gặp  chút khó khăn trong việc định thời gian. Để giúp bà con trong Họ và độc giả thuận tiện tra cứu hoặc quy đổi trong những trường hợp này, tôi xin cung cấp Bảng tra niên hiệu các triều vua Việt Nam. Đây là bảng tra niên hiệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam được đăng tải trên website của Viện.

Trước hết ta tìm hiểu khái niêm niên hiệu là gì, và một số đặc điểm của niên hiệu Việt Nam.

Niên hiệu là một giai đoạn gồm các năm nhất định được các hoàng đế Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản sử dụng. Mỗi vị vua thường có một hoặc nhiều niên hiệu riêng. Niên hiệu được hình thành xuất phát từ khẩu hiệu hoặc phương châm trị vì của vị vua đó. Cách gọi: gọi niên hiệu, tiếp theo là thứ tự các năm (thông thường bắt đầu từ ngày đầu năm mới âm lịch). Thí dụ: năm Minh Đạo nguyên niên (năm Minh Đạo thứ nhất), năm Kiến Trung thứ hai, năm Quang Thuận thứ chín …Căn cứ vào bảng tra, ta có thể quy đổi thời gian từ niên hiệu ra năm dương lịch một cách dễ dàng.

Niên hiệu Việt Nam:
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam có tất cả 144 niên hiệu,Trong đó:
- Niên hiệu Đại Đức (hay Thiên Đức) được Lý Nam Đế dừng sớm nhất (từ năm 544 đến năm 548).
- Niên hiệu Thuận Thiên được cả hai vị vua đầu của hai triều vua khác nhau dùng, đó là: Lý Thái Tổ (1010 – 1028) và Lê Thái Tổ (1428 – 1433).
- Một số giai đoạn lịch sử có hai niên hiệu song song cùng tồn tại, đó là giai đoạn 1533 – 1677 (phân tranh giữa nhà Mạc và nhà Hậu Lê) và giai đoạn 1778 – 1793 (chuyển tiếp giữa nhà Hậu Lê và nhà Tây Sơn).
- Các vị vua nhà Nguyễn mỗi vị đều chỉ dùng một niên hiệu duy nhất trong suốt thời gian tị vì của mình.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

GIAO LƯU XÂY DỰNG WEBSITE


Ngày 16/9/2013 diễn ra buổi gặp mặt giao lưu giữa Hội đồng Ngô tộc Việt Nam và đơn vị tài trợ thiết lập trang web hongovietnam. Tham dự có ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc Việt Nam và một số ủy viên Hội đồng. Phía đơn vị tài trợ có Thiếu tướng Ngô Văn Sơn, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Tổng Tham mưu - Quân đội Nhân dân Việt Nam, một số cán bộ, nhân viên của Cục trực tiếp tham gia giúp đỡ và một số người liên quan khác. (Nghe nói đ/c Ngô Văn Sơn mới được thăng quân hàm Trung tướng – xin được chúc mừng).

Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí chân thành, vui vẻ và thoải mái. Mở đầu ông Ngô Vui phát biểu ý kiến, nêu lên mục đích, ý nghĩa của buổi gặp mặt, giới thiệu các thành viên Hội đồng có mặt, cám ơn Cục Công nghệ Thông tin và các cá nhân liên quan đã giúp đỡ xây dựng và đưa vào sử dụng Trang web hongovietnam. Ông cũng lược qua tình hình xây dựng trang web của Dòng họ trước đây và nguyên nhân chưa thành công của những lần đó, một số khó khăn trong điều kiện hiện tại, đồng thời mong rằng trong thời gian tới Cục Công nghệ Thông tin và những người liên quan sẽ tiếp tục giúp đỡ Dòng Họ để đưa Trang web vào hoạt động có hiệu quả.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

DỰ LỄ GIỖ TỔ HỌ NGÔ – HƯƠNG CÂU



Theo lời mời của dòng họ và sự phân công của Thường trực Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, ngày 1 tháng 9 năm 2013 ba anh em chúng tôi gồm Ngô Đăng Sinh, Ngô Văn Minh và Ngô Văn Xuân đi dự lễ giỗ Tổ và tế Thu của họ Ngô Văn – Thôn Hương Câu, Xã Hương Lâm, Huyện Hiệp Hòa, Tỉnh Bắc Giang.
Hương Câu là một làng nằm cạnh Sông Cầu, cách Hà Nội khoảng 35 Km. Từ Hà Nội đi theo Quốc lộ 1A, đến Thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) rẽ trái theo Tỉnh lộ 295, qua Thị trấn Chờ, Huyện Yên Phong, rồi qua Bến phà Đông Xuyên, đi tiếp 11 Km thì tới. Đường từ Hà Nội đến Bến phà Đông Xuyên khá dễ đi, nhất là đoạn từ Thị xã Từ Sơn đền Thị trấn Chờ đường mới mở rộng, xe cộ qua lại chưa nhiều nên khá thông thoáng. Trái lại, sang bên kia phà, đường từ Bến phà về đến nhà xuống cấp nghiêm trọng, đường nhựa nhưng hầu như chỉ còn trơ đá, nhiều ổ gà, ổ trâu lớn nhỏ, xe đi rất khó khăn, nhất là lúc cần tránh xe ngược chiều. Hôm đó trời lại đổ mưa nên càng vất vả. Trên cùng một trục đường, chỉ cách nhau một con sông nhỏ, bên này là địa phận Tỉnh Bắc Ninh, bên kia là Bắc Giang nhưng đường xá khác hẳn nhau. Thế mới biết tính địa phương chủ nghĩa ở ta nó lớn thế nào. Ngay như trên trục Quốc lộ 1A khu vực qua Thị trấn Yên Viên, đoạn tiếp giáp giữa Hà Nội và Bắc Ninh: phía Hà Nội vẫn là đường 2 chiều chật chội nhưng sang đất Bắc Ninh đã được mở thành đường đôi rộng rãi, khang trang. Việc qua phà Đông Xuyên cũng rất phiền toái và nguy hiểm, con phà thì cũ nát, trông không thể tin ở đó có sự an toàn.  Chúng tôi cứ thắc mắc: trên trục đường như vậy, không hiểu tại sao đến nay Nhà nước chưa đầu tư xây dựng một cây cầu cho dân đi mà vẫn phải đi những phà cũ nát này. Tuy nhiên sau này được biết Cầu Đông Xuyên đã được khởi công xây dựng, hy vọng trong một ngày không xa nhân dân hai bờ sẽ được qua lại một cách dễ dàng, thuận tiện và an toàn hơn.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

VĨNH BIỆT BÁC PHÙNG ĐỨC ỨNG




Bác Phùng Đức Ứng – nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Hàng không, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, một người hiền lành, nhân hậu, suốt đời sống vì công việc, hết lòng với anh em, đồng nghiệp, bạn bè. Năm ngoái, trong điều kiện chạy lên chạy xuống vận động tìm người thay thế đảm đương công việc của tổ dân phố, cảm thông với hoàn cảnh của mình, bác đã vui lòng đứng ra đảm trách, mặc dù tuổi đã cao, lại đang hoạt động trong Ban Liên lạc Hội Tình nghĩa Hàng không. Điều đó làm mình thật cảm kích, biết ơn. Sau này có người bảo bác là tham quyền cố vị, thế  thật không đúng, không công bằng, nói oan cho bác.
Vừa rồi bác đã đột ngột ra đi sau mấy ngày nằm viện. Trước đó bác bị một cơn đột quỵ sau buổi làm việc chuẩn bị tổ chức buổi gặp mặt Hội Tình nghĩa Hàng không. Sự ra đi của bác làm nhiều người bất ngờ và rất đỗi tiếc thương, bởi bác còn đang khỏe mạnh bình thường, chế độ sinh hoạt hàng ngày cũng được giữ gìn cẩn thận.

Đám tang bác được tổ chức rất chu đáo. Cục Hàng không Việt Nam đứng ra chủ trì tổ chức, Cục trưởng Cục Hàng không làm trưởng Ban Lễ tang. Rất đông anh em bạn bè, bà con khối phố và người thân đến viếng, dự  lễ truy điệu và tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng.

Vĩnh biệt bác, xin có mấy lời thay một nén nhang viếng bác, cầu mong linh hồn bác sớm được siêu thoát bên cõi Vĩnh hằng. Xin chia buồn sâu sắc với chị Kim Dàn, các cháu cùng toàn thể gia đình.

Tin buồn: bác trút thở chiều qua.                                     
Việc nước đang lo, dở việc nhà.                    
Đầu chửa nghỉ ngơi khi xế bóng,
Chân còn sải bước tuổi phôi pha.                   
Thương đau để lại cho con cháu,
Nhớ tiếc mang theo tới trẻ già.
Yên giấc nghìn thu nay vĩnh biệt,
Nén nhang tiễn bác mãi đi xa.

Tháng 8-2013
N.V.X.



Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

MỘT CÁCH NHÌN LỊCH SỬ QUA GÓC BÀI TRÍ THỜ TỰ Ở ĐỀN THỜ ĐẠI NAM (TỈNH BÌNH DƯƠNG)


Đền thờ Đại Nam - tỉnh Bình Dương

Nhân dịp kỳ nghỉ hè, gia đình tổ chức đi tham quan, du lịch một số nơi, trong đó có khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương. Khỏi phải nói các cháu vui thế nào khi anh em được cùng nhau đi chơi, nô đùa và tham gia các trò chơi, nhất là các môn cảm giác mạnh. Bố mẹ, ông bà ở dưới thì hoa cả mắt, toát mồ hôi. Trong thời gian du lịch, ông bà còn chú tâm nhiều vào việc thăm viếng đền đài, nơi thờ tự và một số thắng cảnh khác.
 Đã từ lâu nghe anh em bàn luận nhiều về khu Đền thờ Đại Nam trong Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, nay mới có dịp trực tiếp đến thăm. Cảm nhận đầu tiên là thấy nguy nga, choáng ngợp. Một số du khách còn buột miệng thốt lên: còn hơn cả Trung Quốc! (Đây không biết là lời khen hay chê). Theo lời giới thiệu, "đây là khu thờ tự, là điểm nhấn mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, ngưỡng vọng những tinh hoa của dân tộc Việt Nam". Điện Đại Nam còn gọi là Kim Điện, được khởi công xây dựng vào ngày 11/4/2003 (10/3 năm Quý Mùi), hoàn thành ngày 2/9/2005 trên diện tích 5000 mét vuông. Điểm nổi bật của khu Điện là hệ thống tượng thờ, cả phía trước và bên trong Điện. Tất cả một màu sáng lóa, nghe nói được làm từ chất liệu siêu nhẹ composite và sợi thủy tinh tổng hợp, một số pho được dát vàng 24k.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

GẶP MẶT TÌNH NGHĨA HÀNG KHÔNG





Kỷ niệm 18 năm ngày thành lập (10/10/1995 – 10/10/2013) và nhân ngày giải phóng Thủ đô, ngày 9/10/2003 Hội Tình nghĩa Hàng không tổ chức buổi gặp mặt toàn thể hội viên khu vực phía Bắc tại Trung tâm Văn Hóa Hàng không.

Về dự có khá đày đủ các vị nguyên là lãnh đạo Ngành Hàng không hiện đang sinh sống ở Thủ đô Hà Nội: Thiếu tướng Phạm Đăng Ty, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục HKDD Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Tiến Sâm, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, nguyên Cục trưởng Cục HK Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, nguyên Tư lệnh Không quân, ông Lê Đức Tứ, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty HKVN (Vietnam Airlines), một số vị khác nguyên là cán bộ lãnh đạo Ngành Hàng không qua các thời kỳ và đông đảo hội viên Hội Tình nghĩa Hàng không khu vực phía Bắc. Cán bộ tại chức có đồng chí Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và đại diện một số cơ quan, doanh nghiệp trong Ngành Hàng không.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

ĐÓN CHÁU NỘI CHÀO ĐỜI

Mấy ngày qua, cả nhà háo hức với các công việc chuẩn bị để đón cháu nội, một thành viên mới của gia đình ra đời.
Có thể nói mọi công việc đã sẵn sàng, chờ đợi khoảng một vài tuần lễ nữa  sẽ được mừng đón cháu. Bởi vậy cuối buổi sáng 11/10/2013 được tin ngay chiều hôm đó mẹ cháu sẽ nằm lại viện để phẫu thuật sinh cháu thì cũng thấy hơi ngỡ ngàng (hơi ngỡ ngàng thôi chứ không bất ngờ vì sức khỏe, thể trạng của mẹ cháu trong thời gian qua, các công việc đã được dự đoán, định liệu).

Hôm nay cũng là ngày bà nội cháu phải sang viện làm thủ tục chuyển khoa, từ Khoa Xạ Tổng hợp trở lại Khoa Nội 2. Lúc biết tin này các thủ tục chuyển khoa cũng đã cơ bản làm xong, vội gọi báo tin cho Lan chị biết để chiều xin nghỉ, sang viện với em. Ban đầu dự kiến bảo cả bà Nga cùng sang với cháu nhưng cuối cùng lại thôi vì ở đó đã có bà ngoại cháu, hơn nữa được biết bên đó bệnh viện lo mọi việc, người nhà sang cũng chẳng giúp được gì.

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

THĂM LẠI MIỀN TRUNG

Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, cơ quan cũ tổ chức chuyến đi về nguồn, có mời mấy cụ hưu trí cùng tham gia. Đây cũng là dịp tốt để về thăm lại các địa danh từng gắn bó trước đây và có nhiều kỷ niệm.
Xe lăn bánh dọc đường Hồ Chí Minh. Đường thông thoáng, ít xe cộ qua lại, ngồi trên xe thật thoải mái, chẳng bõ lúc đi trong thành phố chật chội, ùn tắc và bụi bậm. Thế nhưng, đường vắng lái xe mát chân ga, khi qua địa phận Hòa Bình đã dính đạn bắn tốc độ. Xe bị ách lại, phải mất hơn 30 phút tài xế xin xỏ, thỏa thuận với cảnh sát, hành trình mới được tiếp tục.

KHAI BÚT
















Xưa nay vốn chẳng rành thơ phú,
Chữ nghĩa văn chương cũng chỉ là …
Tri kỷ trùng phùng  không chén cạn,
Thi, thư, nghiên, bút bạn cùng ta.

N.V.X.